Đạo văn, lạm dụng quyền lực và những chỉ trích Phùng_Xuân_Nhạ

Cáo buộc tự đạo văn

Ông Nhạ giữ chức chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước từ năm 2016 và trong thời gian này ông bị cáo buộc gian lận vì các hành vi đạo văn và đăng bài ở các tạp chí giả khoa học[10][11] và phi tang dấu vết đạo văn bằng cách tráo bài[15][16][17][18].

Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng tại Đại học Toulouse, Pháp, vào ngày 18 tháng 2 năm 2018 đã gửi một báo cáo 10 trang đến Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước của Việt Nam, cho là ông Nhạ “giả khoa học” cũng như “thiếu cả về đạo đức và trình độ”[34]. Bản báo cáo đưa ra bằng chứng là bộ trưởng giáo dục và đào tạo đương nhiệm “tự đạo văn” và “trích dẫn khống” trong hai bài báo "Deficiency in Investment in Early Education: The Second-Best Optimal Levels of Investment in Later Education and Human Capital[35]" và "Response of Vietnamese Private Enterprises’ Leader under Global Financial Crisis: From Theorical to Empirical Approach[36]". Cáo buộc của giáo sư Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng trên Facebook được like hơn 5 ngàn lần và chia sẻ hơn 3 ngàn lần và được cả RFA[37] và VOA[38] đăng tải. Sáng ngày 26/2/2018, báo Người Lao Động đưa tin[39]. Nhưng trong vòng khoảng 8 tiếng kể từ khi được đăng, bài báo đã bị gỡ xuống. Báo Người Lao Động không công bố lý do gỡ bài [34]. Nhưng nội dung của bài báo trên trang Người Lao Động đã được đăng tải lại trên một trang web khác.[40]

Cáo buộc đạo văn của tác giả khác

Nghiêm trọng hơn, ông Phùng Xuân Nhạ cũng bị Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng cáo buộc là đạo văn của người khác[11][12]. Cụ thể, trong bài báo

Phung Xuan Nha, Foreign direct investment in Vietnam: the case of American firms, VNU Journal of Science: Legal Studies, Vol. 22, No. 2, 2004, pp 16–26.

trang 18-19 sao chép y nguyên nhiều đoạn văn mà không hề được trích dẫn từ bản báo cáo sau (đối chiếu các trang 348-349)

Nguyen Quang Thai, Shigeru Ishikawa. Study on the economic development policy in the transition toward a market-oriented economy in the Socialist Republic of Viet Nam (Phase 3): final report; Vol. 3. Fiscal and monetary policy, Japan International Cooperation Agency, 2001.

Trong một bài báo khác của ông và cộng sự, nội dung ở trang 29

Phung Xuan Nha; Le Quan. Response of Vietnamese Private Enterprises’ Leader under Global Financial Crisis: From Theorical to Empirical Approach, Asian Social Science; Vol. 10, No. 9, 2014, pp 26–39.

được coi là sao chép y hệt và cắt ghép nhiều đoạn văn từ trang 21-22 của bài báo sau

Egan, V. and Tosanguan, P. Coping strategies of entrepreneurs in economic recession: a comparative analysis of Thais and European expatriates in Pattaya, Thailand. Journal of Asia Entrepreneurship and Sustainability. Vol 5, No. 3, 2009, pp. 17-36.

Cáo buộc đăng bài ở tạp chí giả khoa học

Ông Phùng Xuân Nhạ tính đến năm 2018 có tổng cộng 2 bài báo công bố quốc tế. Hai bài này đều được đăng năm 2014 đăng trên tạp chí Asian Social Science [35][36] và đã từng được liệt kê trong danh mục Scopus (Elsevier). Tuy nhiên tạp chí này sau đó bị loại ra khỏi danh sách Scopus từ sau năm 2015[13] do quan ngại về chất lượng xuất bản.

Tạp chí Asian Social Science thuộc một công ty tư nhân vị lợi nhuận tự xưng là Canadian Center for Sience and Education lập ra. Công ty này mới thành lập từ năm 2006 và tung ra một loạt các tạp chí kém chất lượng. Các bài báo gửi đến được đăng trong một thời gian ngắn và phải nộp lệ phí 300-400 USD cho một bài. Tạp chí này còn công bố số liệu trích dẫn và chỉ số ảnh hưởng khống để lôi kéo các tác giả gửi bài. Theo một bản tin trên nhật báo Ottawa Citizen (Canada), công ty này được điểm danh như là một trong những nhà xuất giả khoa học tự nhận gốc Canada vào tên của mình[14]. Theo tạp chí Nature, công ty này cũng được liệt kê trong danh sách Beall về cách nhà xuất bản giả khoa học[41].

Cáo buộc phi tang dấu vết đạo văn bằng cách tráo bài

Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng tại Đại học Toulouse, Pháp, vào ngày 11 tháng 4 năm 2018 lại một lần nữa đã cáo buộc ông Phùng Xuân Nhạ và Lê Quân đã dùng thủ đoạn đánh tráo bài báo đăng trên tại chí Asian Social Science (ASS) "Response of Vietnamese Private Enterprises’ Leader under Global Financial Crisis: From Theorical to Empirical Approach" Vol. 10, No. 9, 2014, bằng một bài mới để phi tang dấu vết đạo văn[15]. Bài mới [16] đánh tráo này đóng giả làm bài gốc[17], vẫn ghi ngày tháng y hệt và không hề nhắc tới sự thay bài. Xem phần File Properties của hai bản đã cho thấy là bản tráo được tạo ra vào ngày 26 tháng 2, năm 2018, còn bàn gốc được tạo ra vào ngày 30 tháng 4, năm 2014, đúng vào thời điểm bài báo gốc công bố. Theo Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, bài báo gốc của Phùng Xuân Nhạ và Lê Quân đã bị thay đổi nội dung và câu cú đến một nửa, xoá hay viết lại đi các đoạn đã bị phát hiện và tố cáo là đạo văn, nhằm che đậy sự đạo văn giả khoa học. Phiên bản PDF của bài đã  sửa đổi để đánh tráo cũng được Lê Quân tải lên trên mạng khoa học Researchgate cho lịch sử khoa học của mình vào ngày 08/03/2018[18]. Tuy nhiên, bản gốc của bài báo của Phùng Xuân Nhạ và Lê Quân đã đăng từ 2014 vẫn có trên ASS cho đến đầu năm 2018 cùng với các vết tích của nó vẫn còn. Cho đến ngày 12/4/2018, bản gốc vẫn được lưu trữ nhiều nơi, kể cả tại Trung Tâm Thông tin - Thư Viện, Đại học Quốc gia Hà Nội[42]. Nhưng ngay sau cáo buộc tráo bài của Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng vài giờ, bản gốc tại Trung Tâm Thông tin - Thư Viện, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã biến mất[42]. Tuy nhiên phiên bản gốc vẫn còn được giữ lai tại các trung tâm lưu trữ với server nằm ngoài Việt Nam[43].

Cáo buộc lũng đoạn Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước

Theo luật sư Trần Vũ Hải, tháng 4/2016, ông Phùng Xuân Nhạ, lúc đó là Phó giáo sư, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng Đại học Quốc gia Hà nội được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo, thay ông Phạm Vũ Luận. Tuy nhiên, đây là văn bản đóng dấu "mật" nên không thể công bố được. Theo điều 7 khoản b Quyết định 174/2008 QĐ-TTg trên của Thủ tướng Chính phủ, thành viên HĐCDGSNN phải là giáo sư. Tháng 7/2016, tại kỳ họp thứ ba của HĐCDGSNN khoá 2014-2019, ông Nhạ nhậm chức chủ tịch Hội đồng này chủ trì lễ chia tay ông Luận, trong khi chưa thấy quyết định nào của Thủ tướng phê chuẩn việc ông Nhạ thay ông Luận làm chủ tịch HĐCDGSNN. Tháng 10/2016, với tư cách Chủ tịch HĐCDGSNN, ông Nhạ ký công nhận mình đạt chuẩn giáo sư chuyên ngành kinh tế. Cũng trong thời kỳ ông Phùng Xuân Nhạ là chủ tịch HĐCDGSNN, số lượng phó giáo sư, và giáo sư tăng vọt: năm 2017, số người đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư là 1.226, gấp 1,7 lần so với năm 2016, 2,3 lần năm 2015 [8]. Trước phản ứng và dư luận xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu rà soát việc bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư.[8]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Phùng_Xuân_Nhạ http://www.asiaentrepreneurshipjournal.com/2009/De... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43193993 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43297592 http://www.giadinhvietnam.com/doi-song/toi-khong-q... http://ottawacitizen.com/news/local-news/2017-list... http://www.scimagojr.com/journalsearch.php?q=21100... http://open_jicareport.jica.go.jp/340/340/340_123_... http://open_jicareport.jica.go.jp/pdf/11679065_07.... http://viet-studies.net/PXNHaNenLenTieng_NLD.html http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/bo-truong-gi...